Lợi ích của phương pháp Montessori
VÌ SAO CHỌN PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI
Trẻ được học theo tốc độ của chính mình
Trẻ không phải gồng mình để theo kịp các bạn hay phải chờ để các bạn bắt nhịp với mình. Trong một lớp học thông thường, tất cả các bé cùng học theo một giáo án đã định sẵn với cùng tốc độ. Chúng ta biết rằng khả năng ở mỗi trẻ là khác nhau và chúng cũng có những niềm ham thích khác nhau. Có trẻ giỏi toán, có trẻ học ngôn ngữ rất nhanh hay nhiều ví dụ khác nữa. Trẻ cũng yêu thích những thứ khác nhau. Chính vì các trẻ đều khác nhau nên sẽ thật thiếu thực tế nếu ta cứ mong rằng khả năng tiếp thu của chúng là như nhau. Nhờ vào sự lặp đi lặp lại mà Montessori lồng ghép vào trong phương pháp của bà, mỗi đứa trẻ có thể học một kỹ năng nào đó cho đến khi thuần thục. Bởi trẻ sẽ không học kỹ năng mới nếu chưa thành thạo kỹ năng đang học nên sẽ không có lỗ hổng kiến thức nào cả. Điều này có nghĩa là việc học phụ đạo là không cần thiết.
Trẻ được học cách tập trung chú ý
Một trong những mục tiêu của phương pháp Montessori là dạy trẻ biết tập trung. Đây là một trong những kỹ năng đóng vai trò nền tảng cho việc học, nhưng lại hay bị bỏ qua trong các trường học truyền thống. Một ngày học theo phương pháp Montessori được thiết kế để không ngắt quãng sự tập trung của trẻ khi phải chuyển sang bài mới, trong khi chưa hoàn thành bài cũ.
Đáp ứng được các cách học khác nhau
Điều này rất quan trọng khi một số trẻ học rất nhanh qua hình ảnh, một số khác phù hợp với âm thanh, có những trẻ học qua chuyển động của cơ thể và cảm nhận, cũng có những em có thể học qua việc kết hợp nhiều loại hình khác nhau… Các giáo viên Montessori được đào tạo để sử dụng mọi giác quan. Việc sử dụng giáo cụ cũng hỗ trợ cho sự khác biệt này.
Rèn luyện kỹ năng sống thiết yếu để trở nên chủ động hơn
Mục tiêu của phương pháp Montessori là nuôi dưỡng động lực bên trong mỗi đứa trẻ, tạo điều kiện tối đa để trẻ được khám phá theo những mối quan tâm của bản thân. Sự nuôi dưỡng này được bắt đầu ngay khi trẻ tham gia vào lớp học. Tự do học hỏi và tìm thấy những niềm ham thích của bản thân sẽ hình thành khả năng sẵn sàng tiếp thu, cả những lĩnh vực mà thường không mấy hấp dẫn trẻ khi ở trong môi trường giáo dục truyền thống.
Môi trường định sẵn trong lớp học Montessori giúp trẻ tự học cách tư duy theo nhịp độ do Người hướng dẫn (giáo viên) quyết định. Những trẻ nhỏ khi mới đến với Montessori sẽ được chỉ dẫn nhiều hơn nhưng khi trẻ đã tự tin và có nhiều trải nghiệm hơn, trẻ được phép tự quyết định cho mình nhiều hơn.
Trẻ sẽ trở nên tự lập
Thông qua việc học cách chăm sóc bản thân – chăm sóc cơ thể, đồ dùng và môi trường xung quanh. Montessori hiểu rằng trong mỗi đứa trẻ luôn có động lực tích cực để trở nên tự lập. Tính tự lập rất quan trọng bởi nó có liên hệ trực tiếp đến lòng tự trọng, năng lực và tinh thần hợp tác của trẻ. Do vậy mục tiêu của một đứa trẻ độc lập luôn được tính đến khi xây dựng từng yếu tố trong lớp học Montessori. Trẻ có thể tự tiếp cận giáo cụ trong lớp học nên không phải lúc nào chúng cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác để lấy được đồ. Đồ vật, ví dụ như chiếc chổi, được thiết kế vừa vặn cho bé sử dụng và các bé được tự do chọn công việc mình thích. Người hướng dẫn (giáo viên) cũng được huấn luyện để khuyến khích trẻ tự lập qua việc cho phép trẻ tự phục vụ bản thân ngay khi trẻ có thể.
Tại lớp học Montessori, trẻ được học về trật tự
Điều này mang lại cảm giác an toàn và thoải mái cho trẻ để tự chủ. Mọi người, kể cả trẻ nhỏ đều thích sự ngăn nắp, trật tự hơn là hỗn loạn bởi vận hành trong một môi trường ngăn nắp thì sẽ dễ dàng hơn. Sự ngăn nắp trật tự giúp trẻ tự lập vì chúng có thể dễ dàng tìm được học cụ mình cần dùng tiếp mà không cần sự giúp đỡ. Được dạy để duy trì trật tự đó, trẻ sẽ học cách chú ý đến người khác và nhận ra mình phải chăm lo cho những vật được dùng chung – đây chính là nền tảng của sự hợp tác. Tính trật tự trong mỗi lớp học Montessori hiện hữu trong các hoạt động thường nhật. Ngay cả giáo cụ cũng có sự ngăn nắp trật tự: từng chiếc khay hay món đồ trên giá được xếp đúng chỗ và dễ dàng tìm thấy. Tại lớp, sự gián đoạn sẽ được giảm thiểu để trẻ hoàn toàn tập trung vào công việc của mình. Tất cả những điều này cho thấy vì sao ai cũng nhận ra mỗi lớp học Montessori là một môi trường tĩnh tại, ngăn nắp trật tự, và có hiệu quả – là một môi trường hoàn hoàn hảo dành cho việc học. Lớp học và giáo cụ được thiết kế, trình bày theo một cách thức giúp trẻ biết phối hợp và biết tôn trọng nhu cầu của người khác cũng như việc sử dụng các giáo cụ. Mục tiêu mang tính xã hội như giúp trẻ học cách hoà hợp, tôn trọng và hợp tác với nhau là một phần quan trọng của phương pháp Montessori. Phải chia sẻ giáo cụ giúp trẻ trở nên kiên nhẫn và biết hợp tác. Phải đi đứng cẩn thận xung quanh thảm (nơi làm việc) của các bạn khác liên tục là dạy trẻ biết tôn trọng mọi người. Thêm vào đó, Montessori còn bao gồm các bài học về ứng xử và tác phong lịch sự mà nhờ đó trẻ được học các kỹ năng xã hội cần thiết như: chào hỏi và giới thiệu mọi người, hỏi xin một thứ gì đó đúng cách, hay ngay cả những phép lịch sự nhỏ nhặt như hắt xì hơi, ho hoặc ngáp cũng phải lịch sự.
Trẻ được tôn trọng và đối xử đúng mực
Với phương pháp Montessori, trẻ không ngừng hoàn thiện con người tương lai của mình. Montessori cho rằng trẻ cần được đối xử tôn trọng như một người lớn, mặc dù trẻ còn khá non nớt. Bạn cần biết rằng cách để giúp trẻ học không phải là phê bình “cái sai” mà là ghi nhận sự việc đó là cơ hội để tìm hiểu điều gì chưa đúng và giúp trẻ tự tìm ra giải pháp đúng đắn hơn. Sự chú trọng vào xây dựng lòng tự tôn ở trẻ, cùng với sự quan tâm đến mọi người sẽ giúp trẻ phát triển tích cực về mọi mặt, và giúp trẻ cũng học cách tôn trọng quyền lợi của những người khác.
Giáo dục đa chiều
Theo mối quan tâm của trẻ. Nếu như trẻ thích những con khủng long, niềm ham thích này sẽ được khai thác trong suốt quá trình học. Trẻ sẽ được khuyến khích đọc về khủng long để học các kỹ năng ngôn ngữ, học cách đo những con khủng long để hiểu về các khái niệm toán học và mô tả chúng trong các bài học về nghệ thuật. Niềm ham thích về những con khủng long này sẽ được tận dụng để thực hiện các bài học về lịch sử và địa lý… Montessori nhận thấy rằng khi lồng ghép niềm ham thích của trẻ vào thì bất kì môn học nào cũng trở nên thú vị.