Tại sao phải giáo dục sớm

       Nếu bạn đang có thai ngay lúc này, bạn hãy nhìn vào đồng hồ và bắt đầu đếm. Bạn đếm 60 giây nhé. Và 60 giây đã trôi qua. Thật đáng ngạc nhiên là trong vòng 60 giây vừa qua đó thì đứa trẻ trong bụng bạn đã vừa phát triển thêm được ¼ triệu tế bào não mới. Điều này đã được nghiên cứu và chứng thực bởi Glenn Doman trong cuốn sách của ông ấy có tựa đề là “Làm thế nào để con bạn trở thành 1 cuốn bách khoa toàn thư” (How To Give Your Child Encyclopedic Knowledge). Trong cuốn sách này, ông nhấn mạnh “Cấu trúc và chức năng các tế bào não rất đặc biệt, chúng được thiết kế theo kiểu càng sử dụng nhiều thì càng phát triển. Còn ngược lại, nếu chúng ta không sử dụng thì dần dần chúng sẽ mất đi chức năng và sự kết nối nhanh nhạy vốn có”.

       Theo nhiều nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nghiên cứu trên sự phát triển thần kỳ của não bộ trẻ em, não con người mạnh hơn bất kì máy tính nào. Não của chúng ta có khả năng tiếp nhận mọi vấn đề nếu chúng được đưa vào não theo đúng phương pháp và ở những thời điểm thích hợp. Bill O’Brien, một nhà nhà tâm lý học lừng danh từng nói “Phần chưa được khám phá là phần không gian giữa hai tai của chúng ta”.

        Tony Buzan, một nhà nghiên cứu đã nói: “Lúc đứa trẻ sinh ra đã là 1 thiên tài. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trẻ học ngôn ngữ tốt hơn bất cứ nhà tâm lý học nào trong vòng 2 năm đầu đời và sử dụng ngôn ngữ thành thạo trong vòng 3-4 năm sau”. Gordon Dryden, cũng chứng minh rằng “Một con người phát triển 50% khả năng học của người đó trong 4 năm đầu đời, phát triển 30% nữa trong vòng 3 năm tiếp theo”. Thật ra, trong số những nghiên cứu gần đây đều cho thấy đứa bé có thể nghe được trong tháng cuối của thai kì. Tuy nhiên, âm thanh hay bị nhiễu do phải xuyên qua bụng mẹ mới tới được tai của bé

 

       Đứng về phương diện sinh học, nhà sinh học nổi tiếng người Nga, Paplop cho rằng: “Trẻ sơ sinh đến ngày thứ ba mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất hai ngày”. Câu nói có nghĩa là, giáo dục sớm cho trẻ phải bắt đầu ngay từ 0 tuổi, khi vừa lọt lòng. Không nên vì lo lắng giáo dục sớm sẽ ảnh hưởng đến bộ não còn non nớt của trẻ mà để trẻ đến 2 – 3 tuổi mới bắt đầu giáo dục, bởi lúc này não của bé hoàn toàn có đủ cơ sở và điều kiện sinh lý để tiếp thu giáo dục sớm.

       Trẻ vừa sinh ra, trọng lượng bộ não nói chung là 390g, một tuổi tăng gấp đôi khoảng 780g, đến 12 tuổi đạt tiêu chuẩn não người lớn khoảng 1400g. Từ đó có thể thấy, từ 0-1 tuổi tế bào não phát triển nhanh nhất, thay đổi lớn nhất. Trong đại não phát triển có 14 tỉ tế bào não như người lớn, chỉ có những rãnh trên tầng vỏ não là nông hơn của người lớn, thể tích tế bào thần kinh nhỏ, ở trạng thái cách biệt, tế bào não có khả năng phát huy tác dụng rất nhịp nhàng với mối liên hệ tế bào thần kinh ngày càng tăng, công năng đại não cũng ngày càng hoàng thiện. Nếu kích thích đại não cho nó hưng phấn thì cảm xúc xung quanh mỗi thần kinh não sẽ sinh trưởng ngày càng nhiều, hình thành mối liên hệ và đường thông càng lớn. Lúc này, mọi kích thích khác thường đều để lại trong đại não những dấu vết sáng sủa như: ngôn ngữ, âm nhạc, nhận thức môi trường xung quanh… tất cả đều trở thành những ấn tượng sâu sắc, giúp trẻ khôn lớn, tăng cường kiến thức.

 

       Trẻ sơ sinh nhanh chóng có những điều kiện phản xạ phân biệt âm thanh và có thể bắt chước những biểu hiện trên nét mặt hoặc động tác thè lưỡi của người mẹ. Thậm chí ngay từ khi mới sinh trẻ đã có thể tiếp nhận tác động của giáo dục một cách rất tự nhiên. Ví như khi trẻ sơ sinh khóc, thì cho trẻ nghe một đoạn nhạc cổ điển. Lúc đầy tháng, mối khi khóc mà nghe thấy đoạn nhạc quen thuộc là trẻ nín ngay. Sau 5 tháng, đứa trẻ hoàn toàn nhớ được đoạn nhạc này. Hễ nghe thấy là trẻ cười, động chân động tay phản ứng với tiết tấu của đoạn nhạc đó, trong khi nghe đoạn nhạc khác thì trẻ lại không phản ứng gì. Đó chính là năng lực nội tại của trẻ để trẻ dễ dàng tiếp thu giáo dục và giúp trẻ học tập, thích nghi. Năng lực nội tại này ở trẻ sơ sinh rất mạnh, nhưng tuổi càng lớn càng giảm sút nhanh chóng. Đây chính là cơ sở lý luận cho việc giáo dục trẻ.

       Vì vậy, chúng ta nên hướng dẫn cho trẻ học từ sớm khi quá trình học đến với chúng một cách tự nhiên nhất thông qua việc khám phá thế giới xung quanh mỗi ngày. Glenn Doman có nói “Trẻ con thích học, thật sự là trẻ thích học hơn là ăn”. Trong thời đại công nghệ thông tin, nơi mà mỗi phút chúng ta tiếp nhận thêm rất nhiều thông tin mới, chúng ta không bao giờ biết hết mọi thứ. Chính vì vậy, chúng ta cần phải khơi dậy sự hứng thú với việc học của trẻ để chúng có thể chủ động tiếp nhận và học hỏi những điều mới và bổ ích trên đường đời của chúng sau này. Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu dạy những đứa trẻ yêu thích học hỏi, chúng có thể học tất cả những gì chúng muốn”.

      Howard Gardner đã liệt kê trong cuốn sách của ông có tựa đề “Frames of Mind” là não bộ của chúng ta bao gồm 7 trung tâm trí tuệ là: Ngôn ngữ (đọc, viết, nói); Logic (toán, khoa học, lịch sử, địa lý); Khả năng cảm nhận (âm nhạc, thể thao, nhảy múa); Không gian/ảo (nghệ thuật và kỹ năng cần thiết để lái xe và điều khiển máy bay); Sự tự tin, chủ động; Quý trọng bản thân và Kỹ năng giao tiếp (mối quan hệ với mọi người xung quanh). Tuy nhiên đáng tiếc là các trường học hiện nay chỉ tập trung vào việc phát triển trung tâm đầu tiên là ngôn ngữ mà bỏ qua việc phát triển 6 trung tâm còn lại.

 

       Buckmister Fuller, một nhà giáo dục học nổi tiếng cho rằng “Tất cả các trẻ sinh ra là những thiên tài và chúng ta đã hủy hoại 80% khả năng thiên tài này trong vòng 6 năm đầu đời của trẻ”. Tất nhiên, chúng ta đã sai ở một chỗ nào đó. Hiện nay, đa số các trường đều đặt trong tâm của việc giảng dạy là làm sao để trẻ có thành tích cao trong các kì kiểm tra hơn là dạy kiến thức và kĩ năng thật sự cho trẻ. Kiểm tra khác với học hỏi vì kiểm tra chú trọng đến việc tìm hiểu trẻ biết gì hơn là đứa trẻ thật sự hiểu gì.

     Theo Jean Marzollo và Janice Lloyd, hai chuyên gia trong việc giáo dục trẻ thơ đã nói trong cuốn sách “Chơi mà học” (Learning Through Play) của họ, “Chơi là học và chơi nhiều là cách học hiệu quả nhất”. Vì vậy, “quan trọng nhất là chúng ta có thể biến những trò chơi thành những cơ hội để học và cần làm cho những việc này trở nên vui nhộn”. Con của bạn giống như là một tảng băng, 10% nổi trên mặt nước là ngoại hình của trẻ mà bạn nhìn thấy hằng ngày, 90% chìm dưới mặt nước là trí thông minh, cảm xúc và tâm hồn của trẻ. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian để khám phá những tiềm năng chưa thấy ở trẻ. Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng con của bạn cần phát triển trong cuộc sống thì hãy khuyến khích con bạn chơi một cách có định hướng nhiều hơn nữa.

 

       Thông qua việc giáo dục sớm một cách khoa học, không những giúp trẻ thơ phát triển bình thường, thúc đẩy sự phát triển đại não, nâng cao năng lực trí tuệ của trẻ, mà còn là biện pháp hữu hiệu khai thác tiềm năng đại não của trẻ, giúp trẻ có thế giới nội tâm phong phú. Tuy vậy, có nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu được điều đó, thường đợi trẻ sau 2 tuổi biết nói, mới bắt đầu coi trọng giáo dục sớm. Do đó đã bỏ lỡ thời gian mà trẻ có thể học được nhiều nhất.

       Điều đặc biệt cần chú ý là cha mẹ không nên nhầm lẫn giữa giáo dục sớm và giáo dục tri thức sớm cho trẻ. Nói tới giáo dục sớm, nhiều bậc cha mẹ nghĩ ngay đến việc khi con vừa chập chững biết đi, biết nói, phải dạy ngay cho trẻ những số đếm, nhận diện màu sắc khác nhau… điều này thật ra không đúng. Giáo dục sớm cho trẻ là chúng ta khuyến khích trẻ tự khám phá thế giới xung quanh, trực tiếp tiếp xúc với những vật thể tự nhiên, để qua đó thể hiện chính bản thân trẻ, dẫn đến sự vận động của đại não và nảy nở hàng loạt hoạt động tư duy. Thông qua đó, cha mẹ dùng ngôn ngữ truyền bá cho trẻ tri thức sẵn có một cách có mục đích, có kế hoạch để thúc đẩy sự phát triển của thính giác, thị giác, vị giác, khứu giác và xúc giác của trẻ. Vì trẻ nhận thức thế giới xung quanh, phát triển trí tuệ phải thông qua các giác quan này. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của đại não và khai thác trí tuệ từ trẻ.

Vui lòng để lại số điện thoại
Monschool sẽ liên hệ lại ngay!
Đăng ký tư vấn
Để lại lời nhắn
Đăng ký tư vấn
Đầu trang