Maria montessori (1870 – 1952)

       Maria Montessori sinh ra ở Chiaravell, nước Ý, và mất tại Noordwijk, Hà Lan. Bà là phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp Y khoa Đại học Roma (1894). Năm 1899, bà bắt đầu nghiên cứu về các vấn đề giáo dục trẻ, dựa theo một số khái niệm do bác sĩ E.Seguin khởi xướng. Bác sĩ Montessori nhận thấy các phương pháp thử nghiệm thành công đối với các trẻ em có khuyết tật về tâm thần cũng có thể áp dụng cho trẻ em bình thường. Bà bắt đầu làm việc với trẻ em tại các trường tư và công lập ở Roma và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giới cải cách.

       Từ 1900 – 1907, Maria Montessori giảng dạy tại khoa Giáo dục nhân chủng học của Đại học Roma và được bổ nhiệm làm thanh tra các trường học của Ý vào năm 1922.

       Bắt đầu từ thời gian này, bà viết sách về giáo dục mà bà đã khai triển. Bà thực hiện nhiều khóa huấn luyện cho các giáo viên ở Tây Ban Nha, Ấn Độ, Anh, Hà Lan, Mỹ…

        Bác sĩ Maria Montessori là nhà giáo dục lỗi lạc của nhân loại trong thời cận đại. Những quan sát của bà về trẻ thơ khi hành nghề y đã giúp bà phân tích tinh tường phương cách học hỏi của chúng. Bà kết luận là trẻ thơ tự phát triển sự hiểu biết qua những gì chúng nhận ra trong môi trường sinh hoạt của mình. Để tìm hiểu thêm về chức năng của tâm trí trẻ thơ, bác sĩ Montessori bắt đầu trau dồi thêm các môn tâm lý và triết học vào năm 1901. Ba năm sau, bà trở thành giáo sư môn Nhân chủng học tại đại học Roma.

 

       Tâm nguyện cao quý giúp đỡ trẻ thơ của bà mãnh liệt đến nỗi, vào năm 1907, bà đã từ bỏ cả chức vụ giáo sư đại học lẫn nghề nghiệp y khoa để dành toàn thời gian trông nom vào chục trẻ trong một khu lao động nghèo khó nhất của thủ đô Roma. Chính nơi này bà đã sáng lập ra “Nhà trẻ thơ” (Casa Dei Bambini) đầu tiên vào năm 1907. Căn nhà lịch sử này cũng là cái nôi của phương pháp giáo dục Montessori nổi tiếng toàn cầu sau đó.

       Phương pháp giáo dục Montessori căn bản được hình thành trên những quan sát suy luận khoa học của bà. Bà đã bị thuyết phục rừng trẻ thơ có một khả năng dễ dàng (như thể không cần cố gắng gì) để hấp thụ kiến thức từ môi trường xung quanh. Trẻ thơ, theo bà cũng có một sự thích thú không bao giờ chán trong việc vận dụng bằng tay với các vật liệu học tập. Mỗi học cụ, mỗi hoạt động trog lớp, mỗi phương pháp dạy mà bà đã phát minh đều căn cứ trên những điều bà nhận thấy trẻ có thể thực hiện một cách “tự nhiên” không cần người lớn trợ giúp. “Trẻ tự dạy chính mình” là một sự thực sâu sắc đã gợi hứng cho bà trong cuộc hành trình hang say cải tiến khoa sư phạm giáo dục trẻ thơ cũng như trong việc tập huấn cho giáo viên nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, Anh, Hà Lan và Ấn Độ.

       Trong “Casa Dei Bambini” (tương đương với một “Day care center” ngày nay tại Mỹ) ở khu nghèo nhất Roma ấy, bà đã áp dụng lý thuyết và phương pháp dạy của mình. Các trẻ gia nhập chương trình học của bà lúc đầu rất phá phách và vô kỷ luật. Nhưng thật ngạc nhiên, chúng dần dần hưởng ứng lối dạy dỗ nhân bản của bà, một nhà giáo luôn luôn coi trọng chúng và khuyến khích các đồng sự cũng làm như vậy.

 

       Kết quả cụ thể trong hơn 100 năm qua đã cho thấy phương pháp Montessori cung cấp cho trẻ một kinh nghiệm giáo dục tự nhiên và chân chính. Bà từng nói “Tôi nghiên cứu trẻ thơ, và chính chúng đã dạy tôi phương cách dạy chúng”. Viễn kiến của bà là rường cột cho nền giáo dục trẻ thơ hiện đại tại các nước tiên tiến. Chẳng hạn, một hệ thống học liệu dạy toán cho trẻ thơ 4-5 tuổi đã được bà soạn thảo để thăm dò mức thích thú về toán học của trẻ – ở một độ tuổi mà mọi người thường cho rằng chúng còn quá nhỏ để có thể tham gia. Bà là nhà giáo dục đầu tiên cho đóng các bàn ghế nhỏ, vừa cỡ để trẻ ngồi học thoải mái. Bà cũng tin tưởng rằng môi trường giáo dục cũng quan trọng như chính giáo dục vậy. Chính vì niềm tin này mà các trường học mang tên Montessori thường là một nơi bình an, ngăn nắp, một nơi mà trẻ thơ mến chuộng và là một cõi riêng để suy tư và học hỏi.

       Cho tới giờ, triết lí và phương pháp giáo dục Montessori đã và đang được thử nghiệm, kiểm chứng từng giờ từng phút trên khắp thế giới. Từ Ngôi nhà của trẻ ở New York, Paris đến Làng trẻ Tây Tạng ở Dhamrasala hay những ngôi trường ở Châu Phi, từ những trung tâm dành cho trẻ em ở Torres Strait của Úc cho đến các trường mẫu giáo ở Trung Quốc hay Thái Lan… đều cho thấy các thuật ngữ xem chừng như lạ lẫm trong các tác phẩm của Maria Montessori đã trở thành kinh điển cho những ai quan tâm đến việc giáo dục trẻ em trên toàn thế giới. Chúng không hề là rào cản đối với những ai muốn tìm hiểu và áp dụng đường lối giáo dục Montessori. Phương pháp giáo dục này ngày nay đã được kiểm chứng bởi các nghiên cứu khoa học về phát triển não bộ, về thần kinh học, về tâm lí học và di truyền học…

       Bác sĩ Maria Montessori đã qua đời hơn nửa thế kỷ nay, nhưng sự nghiệp lừng lẫy của bà vẫn đang được tiếp tục qua tổ chức Association Montessori Internationale (AMI) mà chính bà đã sáng lập tại Amsterdam (Hà Lan) từ năm 1929. Ngày nay, AMI đã có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, góp phần tạo dựng một nền tảng thiết yếu và đích thực cho việc giáo dục trẻ nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và tiến bộ cho con người.

Vui lòng để lại số điện thoại
Monschool sẽ liên hệ lại ngay!
Đăng ký tư vấn
Để lại lời nhắn
Đăng ký tư vấn
Đầu trang